Có thể bạn đang chép miệng và suy nghĩ “Bình thường tôi đã đâu có dư dả gì, làm sao có thể tiết kiệm hay cắt giảm chi tiêu được nữa đây”. “Tôi đã quen với cách chi tiêu này rồi, tôi không thể từ bỏ mức sống này được”. “Với tiền lương này tôi chỉ đủ sống chứ sao có thể tiết kiệm được nữa”
Nhưng sẽ ra sao nếu một ngày điện thoại bạn hỏng, xe máy bạn bị mất trộm? Hay đơn giản, bạn có đang mong muốn một chuyến du lịch sau những ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng nếu không lên kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm, liệu bạn có đủ xoay sở cho những chi phí đó không? Không gì có thể dự đoán trước, những khoản chi “trên trời” có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Và đó là lý do bạn cần ưu tiên thiết lập ngân sách chi tiêu và tiết kiệm cho mình.
Việc này không khó như bạn tưởng. Tất nhiên, bạn đừng ngồi đó rồi tự vẽ kế hoạch chi tiêu như các mẫu cho sẵn. Hãy nhìn lại mức thu nhập và chi tiêu của mình để lên được bản kế hoạch tuyệt vời. Sau đây là các bước dễ dàng giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả hơn
-
Bước 1: Mỗi tháng tổng thu nhập của bạn là bao nhiêu
Khoản này có thể đến từ tiền lương cứng, tiền làm thêm, tiền lãi, tiền gia đình chu cấp,.. Có thể mỗi tháng con số này sẽ chênh nhau, nhưng hãy ghi ra thu nhập của 3 tháng gần nhất nhé.
-
Bước 2: Viết ra các khoản phải chi mỗi tháng để tính toán ngân sách chi tiêu
Đây được gọi là chi phí cố định mà tháng nào bạn cũng phải tiêu, như: tiền nhà, tiền điện thoại, tiền học phí, tiền xăng xe,…Cộng các khoản tiền này lại, bạn sẽ biết được mức chi cố định hàng tháng là như nào.
-
Bước 3: Viết ra các khoản chi tiêu có thể cắt giảm
Một tháng bạn tiêu tốn bao nhiêu vào các buổi tụ tập cafe, ăn uống cùng bạn bè, vào việc mua quần áo, mỹ phẩm hay đồ lặt vặt khác,…Hãy trung thực liệt kê các khoản chi tiêu đó ra.
Đây là khoản chi tiêu khó quản lý nhất vì chúng ta đều mong muốn có những gì mình thích. Tuy nhiên, để kế hoạch chi tiêu được hiệu quả thì bạn nên kiểm soát tốt chi tiêu của mình. Đừng vì thấy có khuyến mãi mà mua những đồ mình không cần. Hãy chỉ mua những thứ mình “cần”, đừng mua chỉ vì “thích”.
-
Bước 4: Hãy làm các phép toán đơn giản để thiết lập ngân sách chi tiêu
Bạn cộng số tiền chi tiêu cố định và chi tiêu có thể cắt giảm. Nó lớn hơn hay nhỏ hơn? Nếu nhỏ hơn thì chúc mừng bạn, bạn đã có mức chi tiêu khá tốt. Còn không, hãy nhìn lại các khoản chi của mình, đặc biệt là khoản chi có-thể-có để xem có thể cắt giảm khoản chi nào không nhé
-
Bước 5: Đặt ra mục tiêu, kế hoạch cho tương lai
Bạn có muốn một chuyến đi du lịch, bạn muốn “lên đời” máy tính của mình. Hãy lên kế hoạch và thực hiện dần dần. Bạn sẽ không phải vay ngân hàng cho các khoản chi “lớn”. Và quan trọng hơn, bạn sẽ có động lực và mục tiêu rõ ràng để thiết lập ngân sách chi tiêu của mình tốt hơn.
>>> Ghi chép khoản chi tiêu trong các chuyến đi
>>> Quy tắc 50/30/20-Quy tắc quản lý tài chính cá nhân hiệu quả